THE NOTE DA LAT

Nhóm thiết kế                :   Vương Trung Hữu

                                 Châu Minh Tiến

                                 Trần Huy

Diện tích                    :   106 sqm

Năm hoàn thành               :   2021

Địa điểm                     :   21, Phan Như Thạch, P.1, ĐL

Nhiếp ảnh                    :   Quang Dam

 

Tư vấn kết cấu               :   Minh Lam Coltd

Nhà thầu chính               :   T.A.T.A

Thi công gỗ nội thất         :   H.2

Thi công sắt                 :   Tai Loi Coltd

Thi công đá mài              :   Anh Lộc

Tư vấn chiếu sáng            :   Megaman

 

The Note là một khách sạn nhỏ kết hợp nhà ở - nơi mà những gì thân quen của Đà Lạt được tái hiện và lưu giữ từ tình yêu của chủ đầu tư và nhóm thiết kế dành cho mảnh đất này.

BỐI CẢNH VÀ NHIỆM VỤ THIẾT KẾ

   Với quy mô và diện tích chỉ tương đương một ngôi nhà phố, nhưng tọa lạc ở trung tâm một đô thị lấy du lịch làm hoạt động chính. Bài toán mà chủ đầu tư đặt ra là phải làm một điều gì đó nhiều hơn để tối ưu giá trị mảnh đất chỉ vỏn vẹn 106m2.

   Câu chuyện Đà Lạt trong ký ức tuổi thơ là một đáp án đầy cảm xúc cho bài toán của chủ đầu tư.

GIẢI PHÁP THIẾT KẾ

   Mô hình ở kết hợp kinh doanh

   Giải pháp thiết kế đề cao tính hiệu quả của việc sử dụng đất và tối ưu hóa mức đầu tư. Tầng hầm, 1, 2, và 3 là không gian kinh doanh dịch vụ lưu trú với quy mô 8 phòng. Tầng 4 và gác mái là không gian ở của gia đình.

   “Mượn”

   Để tìm cảm hứng cho một bức tranh toàn cảnh về Đà Lạt, nhóm thiết kế đã mượn những gì Đà Lạt nhất, từ con dốc, đồi thông, thác nước,… đến cái nắng, cái gió, cái lạnh,…rồi hình ảnh ngôi nhà gỗ nhỏ, ngọn đồi xa và hoa văn của dân tộc Co-ho Chil. Khi mà hình ảnh và cảm xúc góp nhặt đã đủ đầy, chúng trở thành những chất liệu, màu sắc, đường nét và chi tiết khác nhau cho từng không gian.

   Mặt đứng

   Có thể nhận ra nét riêng của The Note từ bên ngoài thông qua mảng tường gạch cổ được phối ghép theo bố cục đường diềm và các ô cửa sổ lớn, với khung trang trí,  họa tiết mô phỏng theo hoa văn trong nghề dệt truyền thống của người dân tộc Co-ho Chil.

   Gạch ốp là gạch được mua từ xưởng thu gom gạch cũ, nên tự chúng đã có một chất cảm rất riêng.

   Mảng tường mặt đứng như một tấm vải dệt thủ công lớn, mang gam màu trầm buồn của chất liệu gạch đất nung và màu sắt gỉ.

   Mỗi căn phòng trong khách sạn được đặt một tên riêng, gợi nhớ đến đặc trưng, địa lý, khí hậu và thổ nhưỡng Đà Lạt.

   Không gian kinh doanh khách sạn

   Mỗi không gian là một câu chuyện nhỏ, được nhặt ra từ những trang nhật kí của chị chủ đầu tư và được kể với những cách khác nhau, thông qua màu sắc và việc bày trí, sắp đặt đồ nội thất và sự tưởng tượng của nhóm thiết kế.

   Phòng “Triền dốc” - Các con dốc luôn là hình ảnh không thể thiếu, gợi nên bầu không khí lãng mạn của Đà Lạt. Những con dốc đất đỏ quanh co, dẫn lên ngọn đồi xa lạ, với hoa vàng cỏ xanh, hay những con dốc phố quen thuộc, chốc lát lại xuất hiện những bậc thang, cứ nối tiếp nhau như vô tận là cảm hứng cho phòng dorm của khách sạn - căn phòng cho những con người trẻ, thích khám phá và yêu xê dịch.

   Phòng “Đu Đủ Xanh" - Lấy cảm hứng từ bộ phim điện ảnh nổi tiếng “Mùi Đu Đủ Xanh” (năm 1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Hình ảnh gác gỗ nhỏ, nhiều góc tối, nhuộm màu hoài niệm da diết dưới ánh đèn leo lét. Đu Đủ Xanh là niềm mong muốn, thả được những dòng thơ dịu êm về ký ức khắc khoải của một tình yêu Việt Nam dung dị, kín đáo, âm thầm vun vén.

   Phòng “Nhịp chậm” - Như một đặc quyền rất riêng của Đà Lạt, một chút chậm rãi, một chút suy tư, sâu lắng, khiến người ta cứ lặng lẽ với những nỗi niềm sâu thẳm nhất của cảm xúc. Từ một dòng nhỏ nhắn nhủ trong nhật ký năm nào : “ Hãy cứ chậm rãi, thong thả Đà Lạt nhé!” – Đà Lạt, tháng 1/2020. Sau những hồi ức đẹp đẽ là cảm hứng để nhóm thiết kế vun vén cho căn phòng đặc biệt thiên về cảm xúc này.

   Phòng “ Chiều mơ” - Lấy cảm hứng từ một khoảng thời gian đặc biệt trong ngày – “Chiều mơ” được tô bởi gam màu của những tia nắng trầm ấm nhè nhẹ cuối ngày len lỏi sau màn sương lạnh.

   Phòng “Khói Sương” - Sương mù Đà Lạt là một trong những hình ảnh đậm chất thơ ca và cũng là điểm thu hút du khách nhất khi đến với vùng đất này. Mượn hình ảnh sớm mai sương giăng khắp lối pha chút mùi khói bếp nhà ai dưới thung sâu làm nguồn cảm hứng sáng tạo cho phòng “ Khói sương”. Nhẹ nhàng, lơ đãng với tone màu xanh chủ đạo, hướng đến trải nghiệm thư giãn, chữa lành.

   Những căn phòng còn lại trong khách sạn - Phòng “Thác Đổ”, Phòng “Thung Lũng”, Phòng “Đồi thông” - cũng được gắn với những hình ảnh quen thuộc và đặc trưng của Đà Lạt

   Không gian ở - Tầng gác mái

   Ngôi nhà ở kết hợp với kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo giữ được những giá trị riêng của một không gian sống tiện nghi và ấm cúng. Không gian ở như những ngôi nhà gỗ nhỏ với phòng ngủ áp mái nhìn về ngọn đồi xa.

KẾT LUẬN

   Những khói sương, triền dốc,… mỗi thứ một chút nhưng tổng hòa lại thành một chốn lưu trú, với các không gian ấm cúng, nhiều cảm xúc. Công trình thể hiện tình yêu của người con đối với quê hương của mình. Với mục đích muốn tái hiện và lưu giữ những kỉ niệm tuổi thơ, để dành tặng cho người mình thương yêu và người yêu thương mảnh đất Đà Lạt.